Mỗi khi cô ấy đụng tay vào cái gì thì y như rằng cái đó có nguy cơ “theo ông theo bà” ngay. Gửi Tam Su Gia Dinh, câu chuyện của tôi đầy bi hài. Mong có được lời khuyên hữu ích.
Lá thư gửi đến Tam Su Gia Dinh với nhiều cảm xúc khác nhau: Tôi đang loay hoay tháo rèm cửa để giặt giũ chuẩn bị cho ngày Tết thì nghe một cái rầm. Nhìn xuống bếp, tôi thấy vợ tôi té nhào, bộ ấm trà xưa cũng là kỷ vật của ba tôi để lại vỡ tan tành. Vợ tôi luýnh quýnh nói lời xin lỗi và nhanh tay nhặt những mảnh vỡ đem đi bỏ thùng rác.
Tôi tiếc rẻ: "Vợ ơi là vợ! Em có biết bộ bình trà đó quý lắm không? Ông nội đã từng nâng niu để lại cho ba và sau đó mới chuyển giao lại cho anh, giờ thì tan tành”. Vợ tôi chỉ lí nhí: “Vợ xin lỗi chồng, vợ tính đem đi lau chùi mà không ngờ… Vợ lúc nào cũng dở tệ!”.
Vợ tôi được mọi người đặt cho biệt danh là “vợ thằng Đậu”. Trong đời, tôi chưa thấy ai vụng về như cô ấy. Mỗi khi cô ấy đụng tay vào cái gì thì y như rằng cái đó có nguy cơ “theo ông theo bà” ngay.
Những lúc cô ấy vào bếp thì tôi phải đi theo dọn dẹp gần chết. Còn mỗi khi cô ấy kho cá, kho thịt thì tôi phải theo nhắc chừng chứ nếu không thì cả nhà phải ăn món khét…
Nhớ ngày xưa, khi thằng Khải dẫn tôi về quê, giới thiệu: “Đây là con Lý, em gái út tao. Nó dễ thương, xinh đẹp nhưng thiệt tình là nó… dở tệ”. Cũng theo thằng Khải, em Lý dở một phần là do ba má nó, vì thấy Lý đụng tới đâu hư đồ tới đó nên ba má nó không cho cô ấy làm gì cả. Riết rồi Lý chỉ biết học và học mà thôi.
Ngày đầu gặp Lý, tôi cũng thấy cô ấy duyên dáng, xinh xắn. Thấy có khách, thằng Khải bảo em Lý đi làm cá nấu cơm. Thằng Khải kéo em Lý vào nói nhỏ: “Mày ráng làm cho ngon lành nghen, để còn lấy điểm với thằng Hải, chứ nó mà chê là mày ế đó”. Tôi thấy em Lý chu mỏ thiệt dài đáp trả: “Ở giá má nhờ anh Hai”.
Tôi và thằng Khải lên nhà trên ngồi uống trà với ba nó. Mới vừa rót trà vào tách thì tôi nghe tiếng chân chạy thình thịch, giọng em Lý hớt hải: “Anh Hai… anh Hai, xuống phụ em bắt mấy con cá lóc coi. Em đem 3 con cá ra sàn nước đập đầu, không ngờ 2 con đã nhảy xuống sông, con còn lại nó đã chui tọt vô kẹt cửa”. Tôi và thằng Khải ra sau nhà thì thấy rổ nằm đường rổ, dao nằm đằng dao và cá thì ở một nơi khác. Hôm đó, má thằng Khải buộc phải chiên thêm trứng để cả nhà ăn cơm.
Vậy mà không hiểu sao tôi yêu và cưới Lý. Có lẽ bởi cô ấy hiền lành, dễ thương và đặc biệt mỗi khi làm sai, ai la mắng gì cô ấy cũng cười hề hề nhận lỗi. Đến khi cưới về, tôi mới dạy cô ấy đủ thứ nào là cách nấu cơm, canh, kho cá và cả “nghệ thuật” làm vợ, làm dâu…
Cô ấy thường nói với tôi: “Vợ dở nhưng không phải là không biết học hỏi, có gì chồng cứ chỉ bảo vợ nghen!”. Tôi nghe như mở cờ trong bụng vì vừa được làm chồng vừa được làm thầy giáo dạy bảo cho cô học trò cũng là người vợ bé bỏng, đáng yêu của mình.
Được cái là em Lý cũng chịu khó học hỏi. Mỗi ngày, tôi thấy cô ấy tự hoàn thiện mình hơn, duy chỉ cái tính vụn về hình như đã ăn sâu trong huyết quản. Cô ấy hay xuề xòa: “Cuộc sống mà chồng, biết mình dở nên vợ không đòi hỏi gì cả, chỉ cần chồng yêu thương em, dạy dỗ em mỗi ngày là được”.
Tuy có tệ như “vợ thằng Đậu” nhưng từ đó đến giờ, sống với nhau đã gần 10 năm, tôi chưa bao giờ nghe cô ấy than van cực khổ vì chồng vì con. Có thể, cô ấy nấu ăn không ngon, nói chuyện không khéo, trang trí nhà cửa không đẹp… nhưng tôi thấy trong ánh mắt cô ấy luôn dành trọn sự yêu thương cho tôi, cho cả gia đình. Vì vậy, dù cô ấy có tệ đến mấy đi chăng nữa thì tôi vẫn yêu cô ấy như thuở nào, phải không cô “vợ thằng Đậu” của anh?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét